CHIA SẺ PHƯƠNG PHÁP GHI NHỚ CHỮ HÁN
- Tiếng Trung Boyu
- 28 thg 7, 2022
- 5 phút đọc
Đối với những bạn đang bắt đầu cũng như đã học tiếng Trung được một khoảng thời gian, chắc hẳn mọi người đều đã và đang chuẩn bị đối mặt với một vấn đề nan giải đó chính là: “Làm thế nào để ghi nhớ được chữ Hán?”. Vậy thì ngày hôm nay, hãy cùng theo chân Tiếng Trung BOYU lắng nghe chia sẻ của một bạn học viên đang học tiếng Trung về những phương pháp để có thể ghi nhớ được chữ Hán nhé!
Xin chào mọi người, mình là Lam, hôm nay mình rất vui vì có thể tới đây để chia sẻ cùng mọi người về các phương pháp ghi nhớ chữ Hán của mình. Là một người đã học tiếng Trung ba năm, mình cũng giống như các bạn, mới đầu khi bắt đầu chuyển sang học hệ chữ tượng hình, bản thân mình cũng gặp rất nhiều vấn đề với việc “Làm thế nào để có thể nhớ được chữ Hán?”.
Và hiện tại, sau khi trải qua một quá trình dài không ngừng học tập và thay đổi các phương pháp học chữ Hán khác nhau, mình đã tìm ra những phương pháp mà mình cảm thấy hay cũng như phù hợp với mình. Hôm nay, mình sẽ chia sẻ phương pháp ấy tới những bạn đã và đang học tiếng Trung nhé. Hi vọng mọi người có thể tìm được phương pháp học chữ Hán phù hợp nhất với bản thân nhé!
1. Viết nhiều, đọc nhiều.
Đây là cách đầu tiên mà mình áp dụng. Học không thuộc thì đành học vẹt vậy, đặc biệt với những người mới bắt đầu học tiếng Trung. Khi chuyển từ hệ chữ latin quen thuộc sang với hệ chữ tượng hình mang nhiều nét với các ý nghĩa khác nhau, mình không còn cách nào là ép buộc bản thân phải thích ứng với hệ chữ ấy. Mà muốn thích ứng thì chỉ đành học, dành ra càng nhiều thời gian để học để viết để đọc càng tốt.
Ban đầu chưa biết viết gì cho nhiều vậy thì cứ trực tiếp chép lại tất cả các bài khóa. Mình đã chép lại toàn bộ các bài khóa trong giáo trình chuẩn HSK4 tới giáo trình chuẩn HSK6 đó. Nó tựa như khi mình còn học lớp 1 và học môn nghe viết chính tả vậy. Đặc biệt nếu như bạn thực sự dụng tâm thì hãy bật file nghe và vừa nghe vừa viết nhé, vừa luyện được khả năng nghe và vừa luyện được khả năng viết luôn đó.
Còn đọc thì sao nhỉ? Nếu không tìm được bất cứ bài đọc nào phù hợp với mình thì cứ đọc đi đọc lại các bài khóa thôi, nếu bài khóa trong giáo trình vẫn chưa đủ thì đọc thêm bài khóa trong các đề thi, các quyển sách ôn. Đến một trình độ nhất định rồi thì hãy chuyển qua đọc các bài viết trên các nền tảng xã hội của Trung Quốc như Weibo, Zhihu,... Không cần phải đọc hiểu từng từ từng chữ, cái chúng ta cần làm là nhìn thấy chữ mình từng học phải nhận ra được ngay cách phát âm, phiên âm Hán Việt cũng như ý nghĩa của nó. Đây cũng chính là một trong những cách luyện tập phản ứng của chúng ta với tiếng Trung đấy.
2. Học các bộ thủ và thiên bàng.
Bộ thủ thì có thể các bạn đã nghe qua nhưng thiên bàng thì sao nhỉ? Đối với một người đã học ở các trung tâm ngoài khác nhau trong hai năm và học tiếng Trung trong trường đại học một năm, mình đã tiếp thu được cách dạy hoàn toàn khác biệt ở hai nơi. Nếu như ở ngoài khi hỏi làm thế nào để có thể nhớ được chữ tiếng Trung nhanh nhất, chắc hẳn đa số mọi người đều sẽ nói với bạn học bộ thủ, học bộ thủ. Thế nhưng 214 bộ thủ, nhớ chữ Trung còn chưa xong thì sao có thể nhớ bộ thủ với nhiều ý nghĩa khác nhau?
Vì vậy đối với mình, bên cạnh việc học các bộ thủ cơ bản, mình còn học các bộ thiên bàng. Các bộ thiên bàng này thường là các bộ thể hiện ý nghĩa tổng thể của các chữ, lấy một vài ví dụ cơ bản:
Bộ “氵” xuất hiện trong chữ thì thường sẽ chỉ những sự vật liên quan tới nước ví dụ 湖;游泳;...
Bộ 足 xuất hiện trong chữ thì thường sẽ chỉ các động tác liên quan tới chân ví dụ 踢;跑;...
Việc học chữ Hán theo bộ thủ và thiên bàng không chỉ giúp mọi người hiểu được ý nghĩa của chữ đó và còn nhớ được cả cách viết chữ một cách nhanh chóng.
3. Học theo các phương pháp ghi nhớ khác.
Các phương pháp ghi nhớ khác này có khá nhiều, mọi người có thể tìm kiếm trên mạng và lựa chọn những phương pháp phù hợp với bản thân mình. Riêng mình thì mình sẽ áp dụng một phương pháp mà mình nghĩ khá hay đó là học đúng giờ và ôn 30 phút.
Các nhà khoa học đã chứng minh, thời gian học thuộc thích hợp nhất dành cho não bộ của con người là vào khoảng thời gian từ 5-7 giờ sáng sớm, từ 14-16 giờ cho buổi chiều, và từ 20-22 giờ buổi tối. Mình thường sẽ canh và học chữ tiếng Trung vào trong những khoảng thời gian này để có thể đạt hiệu quả cao nhất.
Ngoài ra mỗi lần trước khi học các từ mới tiếng Trung mình sẽ dành ra từ 15 đến 30 phút để học lại các từ tiếng Trung mà mình đã học ở bài trước. Việc này sẽ giúp cho việc nhớ chữ của mình được cải thiện và chắc chắn hơn rất nhiều.
4. Học mọi lúc mọi nơi.
Đương nhiên, cách tốt nhất để học và thành thạo một ngoại ngữ chính là biến nó thành một phần trong cuộc sống của mình. Cô giáo “vỡ lòng” tiếng Trung của mình từng kể, khoảng thời gian đầu khi học tiếng Trung, ở trong sân nhà cô không có chỗ nào là không có nét phấn của cô, bởi vì cô cứ rảnh là viết, cứ rảnh là lôi phấn ra luyện.
Mình cũng vậy, không có sân thì chỉ còn cách ghi nhớ nét chữ lúc đi tắm, lúc đi ngủ, lúc ngồi không. Mình thường sẽ tưởng tượng lại cách viết các chữ mà hôm đã học được trong ngày hôm đó trước khi đi ngủ. Cách này sẽ giúp cho mình nhớ được chữ tốt hơn và không cần phải dành ra quá nhiều thời gian để ôn tập đi ôn tập lại.
Trên đây là những cách học và ghi nhớ chữ tiếng Trung của mình. Hi vọng những chia sẻ này của mình sẽ giúp cho mọi người tìm được ra phương pháp học tiếng Trung phù hợp nhất với mình. Nếu như mọi người có phương pháp nào hay hơn, hãy chia sẻ ở dưới cho mình cùng biết nhé.
Các bạn còn có phương pháp ghi nhớ chữ Hán nào nữa, hay chia sẻ với Tiếng Trung BOYU nhé!
Comments